Được đồn đoán là thần dược nên các đấng mày râu không tiếc tiền của để mua loại ba kích rừng xịn (hàng vip). Thậm chí có nhiều người còn góp nhau gần 200 triệu đồng ra để mua ba kích rừng ngâm rượu uống dần
Vừa hoàn thành công đoạn cuối cùng là hạ thổ toàn bộ 500 lít rượu ngâm ba kích của mình, anh Trần Công Chiến ở Hà Đông (Hà Nội) khoe, chỉ hơn 3 tháng nữa sẽ được khui những chum rượu ba kích của mình lên thưởng thức.
Anh Chiến cho hay, anh đã được nghe đến loại thần dược sâm ba kích từ lâu, cũng đã được nếm thử rượu ba kích một vài lần nên muốn tìm mối để đặt mua. Tuy nhiên, để tìm được loại ba kích rừng xịn không hề dễ, vì trên thị trường chủ yếu toàn ba kích trồng, củ to nhưng ít chất.
“Cách đây 3 tháng, nhờ có người quen giới thiệu nên tôi đặt mua hẳn 150 kg ba kích rừng về ngâm rượu rồi hạ thổ”, anh nói và cho biết, tổng số tiền chi ra mua ba kích hết gần 200 triệu đồng (giá 1,3 triệu đồng/kg chưa tính tiền công bóc lấy vỏ bỏ lõi). Hội bạn anh 3 người chung nhau rồi cùng mua rượu ngâm, sau đó đem đi hạ thổ tại khu vườn ở quê nhà anh.
Mất ba tháng đặt, chủ hàng mới gom đủ số lượng ba kích rừng anh đặt mua và phải 10 ngày sau mới giao tiếp cho anh 500 lít rượu nếp, với số tiền 25 triệu đồng, để anh ngâm toàn bộ số ba kích đã đặt.
Theo anh Chiến, rượu thuốc ngâm càng lâu càng tốt, nhất là thời gian hạ thổ càng dài, rượu sẽ càng ngon ngọt. Do đó, hội bạn anh mới quyết định chi một số tiền lớn đến như vậy để gom mua một thể về ngâm cho tiện rồi dùng dần trong nhiều năm.
“Thỉnh thoảng bạn bè, khách khứa đến chơi có chén rượu thuốc mời bạn cùng thưởng thức cũng vui”, anh Chiến chia sẻ.
Không đến mức ngâm hàng chục chum rượu nhưng anh Nguyễn Hoài Nam ở Đông Mỹ, Thường Tín (Hà Nội) cũng là tín đồ của rượu ba kích.
Anh Nam kể rằng, mỗi năm anh đều đặt mua cả chục cân ba kích rừng loại vip. Hiện đang vào mùa chính của ba kích rừng Quảng Ninh nên anh tranh thủ đặt mua về ngâm rượu, lúc cần dùng thì sẵn.
“Không biết ba kích có công dụng thần dược đến mức nào, nhưng mỗi ngày tôi uống một chén thấy khỏe người hơn nên đều đặn ngày nào tôi cũng uống, coi như dùng thay rượu trắng”, anh Nam nói.
Trao đổi với PV, anh Trần Thế Cường, chuyên bán ba kích rừng ở Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trên thị trường có 3 loại ba kích gồm: hàng trồng, hàng Sapa và hàng rừng xịn. Giá ba kích cũng khác nhau vì phụ thuộc vào chất lượng của mỗi loại.
Loại ba kích Sapa là loại hàng giá rẻ. Đây không phải là ba kích mà là củ cây viễn chí (ruột gà) có hình dạng giống với củ ba kích nên người dân trên Sapa vào rừng thu hái về đem ra chợ bán và gọi là ba kích Sapa.
Loại thứ hai là ba kích trồng, giá chỉ hơn trăm ngàn đồng/kg, thường được các nhà hàng đặt mua về ngâm rượu bán cho khách bởi ưu điểm giá rẻ, hàng nhiều mua lúc nào cũng có. Đặc biệt, màu của chúng khá bắt mắt.
Còn riêng với loại ba kích rừng giá phổ biến 500.000 đồng/kg. Loại ba kích rừng vip giá còn ở mức 1,3 triệu đồng/kg.
Tham khảo bài viết ==>> Giá bán rượu ba kích.
“Với loại ba kích rừng, khách hàng đặt mua hầu hết là dân nhà giàu”. Anh Cường cho hay, dù là khách lẻ nhưng số lượng mỗi người mua ba kích rừng loại vip cực lớn. Người mua ít tầm 5-10 kg, người mua nhiều tầm 30-50 kg. Thậm chí có khách còn đặt mua cả tạ về ngâm một thể để dùng dần.
Tuy nhiên, anh cho hay, vì là hàng rừng hiếm, phải gom từ nhiều mối nên thường phải đặt trước. Theo đó, sớm nhất cũng phải 15 ngày, không thì phải lâu hơn, thậm chí hàng tháng trời mới có hàng là chuyện thường.
Do ba kích rừng khá đắt đỏ nên dân buôn thường trà trộn ba kích trồng vào để kiếm lời.
Cách phân biệt ba kích rừng, ba kích trồng: Ba kích rừng có hình dáng ngoằn ngoèo to bằng ngón tay cái, thắt nhiều khúc. Củ cứng, bên trong có màu tím, phần lõi hóa gỗ to bằng ruột bút bi vì đã tồn tại nhiều năm. Khi đem ngâm rượu chúng sẽ phai ra màu tím đen, uống rượu thấy mùi thơm, ngon, hơi có vị ngọt.
Còn ba kích trồng, củ mập, nhiều thịt, lõi rễ nhỏ, chẻ ra sẽ cảm nhận được ruột mềm do thường trồng một năm là thu hoạch. Khi ngâm rượu, ba kích sẽ phai ra màu tím rất đẹp mắt, nhưng khi uống thử rượu sẽ không thơm ngon như rượu ngâm ba kích rừng.
Theo báo Vietnamnet.